Được tạo bởi Blogger.

Trương Quốc Phong: Chàng "sinh viên già" với thành tích học tập cao "chót vót"

PHONG CÁCH SAO - Lấy trọn học bổng cùng lúc ở cả 2 trường trong năm học trước và mới đây, điểm thi và tổng kết cuối kỳ I trong năm 2017 – 2018 ở cả 2 trường đều cao chót vót (đứng nhất nhì lớp), chàng "sinh viên già ham học" Trương Quốc Phong càng khiến nhiều người bất ngờ vì khả năng học tập cũng như thu xếp công việc, cuộc sống một cách khoa học.

Trương Quốc Phong: Chàng "sinh viên già" với thành tích học tập cao "chót vót".

Đầu năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh chàng chịu khó và hiếu học này.

- Vừa học cùng lúc 2 trường, vừa tự đi làm để mưu sinh và đầu tư cho việc học, thế nhưng, bạn vẫn liên tục gặt hái thêm nhiều kết quả học tập và rèn luyện rất đáng nể. Điều này cho thấy bạn phải có một kế hoạch học tập và làm việc rất bài bản và khoa học. Bạn có thể bật mí về cách mà bạn thu xếp mọi thứ được không?

Đầu tiên, phải nói là tôi thực sự rất may mắn khi lịch học của tôi, "ơn trời" vẫn không bị quá chồng chéo đến mức tôi không thể thu xếp được. Chẳng hạn, theo một cách ngẫu nhiên và rất may mắn thì nếu ở trường Đại học HIU có thời khóa biểu học sáng thì ngược lại ở trường VOV college (trường trực thuộc Đài tiếng nói Việt Nam) tôi lại có lịch học chiều. Vì thế, tôi chỉ cần một chút cố gắng và nỗ lực thì có thể kham được hết lịch học ở hai nơi mà không bỏ tiết hay bỏ bất kỳ môn học nào.

Phải nói, 4 năm học đã diễn ra suôn sẻ như thế quả thật là điều rất hi hữu và may mắn cho tôi. Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là tôi chẳng biết thu xếp bởi nếu không có kế hoạch và lên lịch học thật khoa học thì tôi cũng vướng như chơi, nhất là mùa thi ở các trường thường rơi vào thời điểm rất giống nhau. Thường thì trước mỗi học kỳ tôi luôn ghi chép cẩn thận thời khóa biểu của 2 trường trong sổ tay, note lịch học trong tuần rõ ràng để từ đó giám sát xem có buổi nào trùng lắp không. Nếu trùng lắp tôi phải lên phương án.

Chẳng hạn nội quy các trường nếu cho phép sinh viên nghỉ không được quá 10 hay 20% số tiết học thì tôi sẽ tranh thủ nghỉ vừa đủ hoặc ít nhất số tiết có thể, tránh nghỉ quá nhiều để vi phạm nội quy làm khó ban cán sự, thầy cô và nhà trường. Tôi luôn học với tâm thế nghiêm túc, lĩnh hội và không được xem nhẹ việc thường xuyên phải đến lớp nên cho đến thời điểm này, chưa bao giờ tôi phải khiến thầy cô buồn phiền hay nhắc nhở.

Còn làm việc, tôi sẽ tranh thủ làm việc trong lúc rảnh, ví dụ như giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa và buổi tối. Tôi có thể học mọi lúc mọi nơi và làm việc cũng thế, ở mọi thời điểm. Miễn sao là mình đảm bảo deadline, khối lượng công việc và hiệu quả công việc mà mình đã cam kết. Mọi sự sắp xếp, tôi đều ghi chép cẩn thận, note lịch rất kỹ và chuẩn bị từ lâu chứ không phải đợi đến nước tới chân mới nhảy.



- Giới sinh viên thường kháo nhau "không thi lại không phải là sinh viên". Bạn học nhiều trường như vậy, có khi nào bạn phải học lại hay thi lại?

Hơn 30 năm đi học, trong đời học sinh và sinh viên của mình, tôi chưa bao giờ phải thi lại hay học lại cả. Không phải vì tôi giỏi, thông minh hay vì các thầy cô hay trường tôi theo học dễ dãi mà cốt lõi vấn đề là tôi rất lo xa. Tôi sợ phải học lại hay thi lại mất thời gian và tốn tiền. Tôi làm đồng tiền ra cực nhọc, quỹ thời gian tôi lại hiếm nên tôi trân quý, nỗ lực từng phút giây.

Bạn tin không, trong quá trình học Đại học, có lần thầy giáo ra đề khó và xa kiến thức đã học và ôn tập quá nên lớp tôi rớt khoảng 75 người, số người đậu chỉ đếm trên đầu ngón tay và may mắn, tôi đã vượt qua. Mùa thi, tôi là khách hàng quen của những quán cà phê bán xuyên đêm. Tôi làm bài tập, ôn bài ở ngoài đó vì ban ngày không bận học ở trường này thì tôi lại kẹt học ở trường kia, thậm chí có lúc tôi nhận "job" (công việc) để ổn định kinh tế và lo cho việc học cùng thời điểm nên áp lực lại chồng thêm áp lực. Vậy nhưng, trong công việc, tôi chưa bao giờ bị sếp phiền lòng. Ngược lại, tôi nhận thấy rằng sếp của tôi cũng rất thông cảm, thấu hiểu và thương tôi nên luôn động viên, tạo điều kiện hoặc tăng lương hậu hĩnh trước thời han cho tôi để tôi yên tâm phần nào trong cuộc sống, công việc và học tập.

- Bạn vừa chia sẻ rằng bạn được sếp thương và tăng lương, nghĩa là ngoài học 2 trường bạn còn dám đảm đương những phần công việc như những nhân viên chính thức của công ty. Điều đó gần như là bất khả thi, làm sao có thể khiến người ta tin?

Tôi còn không tin rằng mình đã từng làm việc và học tập cố sức như vậy đấy. Bây giờ ngồi lại suy nghĩ, tôi vẫn rùng mình vì không ngờ khả năng ở mỗi con người là không có giới hạn. Vấn đề quan trọng mà tôi nhận ra là chúng ta phải có mục tiêu và động cơ, động lực tốt đẹp để phấn đấu và theo đuổi. Tuy nhiên, hơn tất cả, theo tôi vẫn là sự sắp xếp quỹ thời gian và cách làm việc, học tập của cá nhân sao cho hiệu quả. Nhìn lại quãng đường đi học và đi làm mỗi ngày như học xong ở Quận 12 là tức tốc chạy ra Bình Thạnh để học rồi vòng về Quận 1 để làm việc, hay vào mùa thi, tôi phải chạy quãng đường mấy chục cây số đi về vì học nhóm, có hôm kéo dài tới 2 giờ sáng. Phải nói là tôi thấy sợ nhưng bây giờ tôi thấy tự hào vì mình đã nỗ lực và làm được.



- Nhưng nỗ lực cố gắng học tập và làm việc như bạn, tôi thấy sao mà cực và khổ quá. Bạn có suy nghĩ như thế?

Tôi đồng ý. Cuộc sống không có gì là dễ dàng cả. Nhất là thành công và kết quả, muốn đạt được tốt thì phải nỗ lực. Ai cũng có những lựa chọn, quyết định. Chạy theo thực tế cuộc sống hay đam mê, đó là tùy bạn. Miễn sao bạn thấy mình vui, và hạnh phúc. Tôi có những mục tiêu và xác định cụ thể cho tương lai mình, nên tôi chọn cách đi hơi cực một chút nhưng khác biệt. Tôi không thích chọn việc nhẹ nhàng nếu nó không mang lại cho tôi nhiều quả ngọt.

Tôi cũng biết rằng cuộc sống này không phải cứ sống vì đam mê là ổn. Đam mê thì ai cũng có, nhiều thậm chí là rất nhiều. Nhưng để có cái hậu thành công như trông đợi thì phải cố gắng và nỗ lực. Hơn cả là phải biết suy nghĩ và phân tích, không thể nào đam mê và mù quáng được. Tôi không chắc những nỗ lực, cố gắng từ trước đến giờ sẽ dẫn mình đi tới thành công mỹ mãn như thế nào nhưng chắc chắn một điều, nó sẽ dẫn tôi đến khu vực ít ra là tiệm cận với thành công mà trong tôi ý niệm. Hạnh phúc không bao giờ là đủ, không có lớn cũng chẳng có nhỏ. Thành công cũng vậy, khó nói hình hài và không thể giới hạn. Chỉ cần tôi hôm nay tốt hơn tôi của ngày qua và suy nghĩ của tôi ngày một trưởng thành, chín chắn hơn thì tôi cũng cảm thấy vui, mãn nguyện.


- Nghe mọi người kể bạn làm nhiều job lắm và cũng thường xuyên thay đổi công việc. Bạn thích làm một freelancer hơn là một nhân viên gắn bó lâu năm phải không?

Hoàn toàn trái ngược với những gì bạn đang nghĩ. Tôi thích tự do, thoải mái và chủ động trong công việc nhưng không vì thế mà tôi xem nhẹ ý thức, trách nhiệm. Từ lúc ra trường báo chí đến giờ, tôi chỉ mới đôi ba lần chuyển công tác thôi. Chẳng hạn ngày trước khi đang làm phóng viên của một tờ báo về khoa học và sức khỏe thì tôi được một người sếp cực giỏi mời về tham gia dự án mới với mức lương hậu hĩnh. Lúc đó tôi chọn ra đi vì thấy mình có thể trải nghiệm học hỏi thêm nhiều từ công việc mới. Đó là vào khoảng năm 2006, tôi được Vinagame (nay là VNG) mời về tham gia team gầy dựng Zing.vn. Thời điểm đó báo mạng tại Việt Nam là một khái niệm mới mẻ, Vinagame là công ty mà rất nhiều người ao ước được vào làm việc và cống hiến. Tôi làm ở đó được gần 7 năm trước khi quyết định đầu quân về công ty Nam Hương để tiếp tục làm báo và học tập, trải nghiệm về lĩnh vực truyền thông, PR và sự kiện.

Năm 2014, nhận thấy bản thân mình có thể phát triển hơn và cần đầu tư thêm kiến thức kinh tế và quản trị cho tương lai nên tôi đã xin sếp cho phép tôi đi học về Quản trị kinh doanh. Quá trình học tôi không còn quỹ thời gian nhiều để làm fulltime nên tôi chọn cách freelancer, cộng tác với công ty cũ trong các dự án, làm truyền thông PR và event khai trương cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó, có cả đối tác là công ty dầu gội hàng đầu tại Nhật.

Tôi nghĩ mọi người đã hiểu sai về khái niệm và tinh thần freelancer. Khi bạn nhận một công việc, dù là không đến công ty làm việc ngày 8 tiếng nhưng hơn hết, bạn phải ý thức được về vấn đề trách nhiệm. Làm freelancer bạn không được phép buông thả, lơ là trách nhiệm bởi nếu không, chẳng ai dám thuê và giao việc cho bạn cả. Tôi nói thật, những người làm việc freelancer thành công thật ra họ rất ý thức và tính kỷ luật của họ cực kỳ cao. Họ ý thức công việc và biết lên kế hoạch, đồng thời cũng rất trách nhiệm.


- Quay trở lại việc học tập của bạn. Được biết năm nay bạn sẽ đi thực tập ở công ty và bảo vệ luận án, hẳn là sẽ rất cực và áp lực. Sẽ có gì khác giữa bạn và những sinh viên khác trong quá trình thực tập, cũng như, bạn liệu có buông bỏ bớt, ví dụ như bớt chăm học một chút xíu để phần học bổng đó rơi vào tay người khác được không?

(Cười to) Buông bỏ ư? Tại sao phải buông bỏ. Tôi đâu có lỗi khi lấy đi những phần học bổng, nhưng nói thật, nếu các bạn cứ tiếp tục lơ là và không chăm học, tôi sẽ lại lấy đi phần học bổng mà lẽ ra nó thuộc về các bạn đấy. Vì sao tôi nói ra điều này? Vì tôi thấy việc học để đạt điểm cao và lấy học bổng nó đơn giản lắm. Bạn đừng nghĩ người khác giỏi hay thông minh hơn mình. Thử nghĩ xem, với một người có nền tảng và năng khiếu xã hội, ngôn ngữ nổi trội như tôi thì liệu tôi có thần thánh đến mức giỏi hơn các bạn về khoa học, kỹ thuật, lập trình, kinh tế hay phần cứng, phần mềm không? Vấn đề tôi thấy ở đây là các bạn không chịu khó, nỗ lực, các bạn lười và phó mặc. Tôi tiếc cho các bạn lắm nên nhiều lúc tôi cũng muốn đưa ra một số lời khuyên nhưng sợ các bạn buồn và phản ứng tiêu cực, làm xích mích đi tình cảm.

Ngày nào các bạn còn lười và không nỗ lực thì một người làm rất nhiều việc như tôi, đi học 2 trường, tự thấy rằng bản thân không có nhiều nổi bật hơn các bạn, sẽ lại tiếp tục chiếm 1 trong 2 suất học bổng hiếm hoi và ít ỏi. Còn vấn đề thực tập, hiện tại tôi đang cân nhắc để lựa chọn. Đối với một người có gần 20 năm kinh nghiệm đi làm như tôi, thực tập lại mang cho tôi nhiều cảm xúc và thú vị. Điều tôi băn khoăn là sợ người ta thấy tôi lớn tuổi ngại giao việc hay sai việc. Tôi sợ sự nể nang giới hạn khả năng quan sát và làm mất đi cơ hội học hỏi.

Tôi nghĩ, chuyện người già như tôi đi thực tập chắc chắn sẽ có rất nhiều thú vị đấy. Và những câu chuyện xung quanh nó, tôi xin phép sẽ kể nhiều hơn trong quyển sách nhỏ "Khi người già đi học" của tôi, dự kiến sẽ ra mắt vào dịp cuối năm Mậu Tuất 2018.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị đầu Xuân của bạn và chúc bạn năm mới gặt hái thêm nhiều thành công mỹ mãn.

Ivan Nguyen | Phong Cách Sao
Ảnh: NVCC
Bài viết đóng góp, xin gửi về: media@goldstar.com.vn